Skip to main content

Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo chiểm đoạt tài sản

Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo chiểm đoạt tài sản

 

Ngày 10/11/2022 Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội

.

Theo nội dung Cáo trạng của Viện kiểm sát: Khoảng tháng 01/2022, Nguyễn Viết X nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội facebook. Nguyễn Viết X sử dụng tài khoản Facebook tên “Vương Thị Tuyến” đăng tin làm tăng tương tác miễn phí follow, like trên Tik Tok, Facebook... Sau khi các tài khoản Facebook nhắn tin thì Xuân yêu cầu cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập sau đó chiếm đoạt tài khoản Facebook của họ và nhắn tin cho bạn bè của các tài khoản Facebook này nhờ họ chuyển tiền vào tài khoản với lý do trả tiền hàng, trả nợ,... để chiếm đoạt. Từ ngày 10/01/2022 đến ngày 19/4/2022, Nguyễn Viết X dùng thủ đoạn như trên để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt được tổng số tiền 16.050.000 đồng của 17 bị hại.

Nguyễn Viết X là người chưa thành niên, gia đình bị cáo đã bồi thường toàn bộ cho các bị hại, trên cơ sở đề nghị của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Viết X 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp, đa dạng.

.

Hiện nay, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn và thực hiện hành vi lừa đảo trên nhiều lĩnh vực. Những thủ đoạn phố biến nhất hiện nay là:

- Giả mạo cơ quan chức năng như Công an, Viện kiểm sát, Toà án gọi điện thông báo vi phạm pháp luật hoặc gọi điện giả làm nhân viên phát thư (thường tự xưng là ở Chi cục Văn thư - lưu trữ) đã phát thư nhưng khách hàng không nhận được nên gợi ý mở và đọc giúp thư mời có nội dung liên quan đến các vụ việc do cơ quan pháp luật đang giải quyết. Sau đó yêu cầu hợp tác, khai thác thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng hoặc yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản chỉ định để phục vụ điều tra, nếu không làm theo sẽ bị bắt giam. Ngoài ra các đối tượng còn giả danh nhân viên điện lực, nhà máy nước, công ty viễn thông gọi điện thông báo người dân nộp thiếu tiền dịch vụ và yêu cầu họ thanh toán, nếu không sẽ cắt điện, nước và dịch vụ viễn thông. Người dân do nhẹ dạ sẽ chuyển tiền vào số tài khoản được chỉ định.

- Gọi điện cho chủ thuê bao tự nhận mình là nhân viên ngân hàng, thông báo chương trình tri ân khách hàng, đề nghị cung cấp số điện thoại đăng ký dịch vụ Internet banking và mã xác thực OTP để nhận quà tặng. Sau khi bị hại cung cấp các thông tin, đối tượng đăng nhập và chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của bị hại.

- Gọi điện thông báo trúng giải thưởng, yêu cầu bị hại chuyển khoản trước một số tiền để làm thủ tục nhận thưởng vào số tài khoản chỉ định, nhưng sau khi bị hại chuyển tiền thì không liên lạc được với đối tượng.

- Giả mạo nhân viên viễn thông để gọi điện, nhắn tin cho chủ thuê bao, lấy lý do hỗ trợ khách hàng nâng cấp sim, yêu cầu khách hàng làm theo cú pháp, truy cập đường link; sim của chủ thuê bao bị khóa, thông tin của số thuê bao được chuyển sang sim của đối tượng, chiếm quyền kiểm soát sim, bẻ khóa, truy cập vào các tài khoản với mục đích phá bảo mật 2 lớp, nhận mã OTP từ nhà cung cấp dịch vụ hay ngân hàng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

- Giả làm chủ thuê bao cũ, liên lạc với chủ thuê bao hiện tại và xin mã OTP với lý do đăng nhập tài khoản, sau đó đăng nhập vào tài khoản của bị hại để chiếm đoạt tiền.

- Các đối tượng chuyển một khoản tiền vào tài khoản của bị hại, sau đó liên lạc và báo là có sự nhầm lẫn, xin thông tin của chủ tài khoản để báo cáo ngân hàng kiểm tra lại, sau đó đăng nhập tài khoản và chiếm đoạt tiền trong tài khoản, hoặc dùng các thủ đoạn tinh vi, chuyển số tiền “chuyển nhầm” thành món nợ lãi suất cao và ép bị hại trả nợ.

- Các đối tượng sử dụng sim rác để gọi điện, nhắn tin cho chủ thuê bao với mục đích kêu gọi đầu tư vào các dự án lãi suất cao, các gian hàng ảo trên mạng hoặc giới thiệu việc làm thu nhập cao. Nắm bắt tâm lý muốn thu lợi nhuận cao của người dân, đối tượng hướng dẫn đăng ký tài khoản và đánh cắp thông tin cá nhân rồi đăng nhập vào tài khoản của bị hại nhằm mục đích chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Đối với hình thức đầu tư, các đối tương lập một trang web để giao dịch, đầu tư và tạo niềm tin bằng cách trả cho người đầu tư số tiền lãi ban đầu là vài trăm nghìn hoặc vài triệu đồng chỉ sau thời gian ngắn đầu tư. Sau khi đã tin tưởng, bị hại tăng vốn đầu tư lớn đến con số vài chục triệu, vài trăm triệu, thậm chí vài tỷ đồng để kiếm lợi nhuận lớn. Nhưng sau đó, trang web bị đánh sập hoặc công ty mà họ đầu tư tuyên bố “giải thể”, số tiền mà họ đã bỏ ra bị mất trắng. Đối với các đối tượng tự xưng là môi giới việc làm, họ quảng cáo những công việc có mức lương cao, không đòi hỏi bằng cấp, nhưng yêu cầu bị hại phải chuyển phí môi giới, đặt cọc vào tài khoản đã chỉ định. Do tâm lý muốn nhanh chóng có việc làm, bị hại sẽ chuyển tiền vào tài khoản và bị các đối tượng chiếm đoạt.

Một thủ đoạn khác xảy ra rất phổ biến hiện nay là sử dụng không gian mạng làm công cụ lừa đảo chiếm đọat tài sản. Đối tượng tạo tài khoản ảo hoặc mua tài khoản ảo trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,… lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn này thường bao gồm nhiều cách thức thực hiện khác nhau:

- Giả làm tài khoản của người nước ngoài để kết bạn, làm quen với phụ nữ Việt Nam nhằm tán tỉnh, yêu đương và hứa hẹn tặng quà. Sau đó, một người gọi điện tự xưng là nhân viên sân bay hoặc hải quan yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản chỉ định để làm thủ tục nhận hàng.

- Lợi dụng nhu cầu muốn tăng tương tác trên các trang mạng xã hội, các đối tượng xin thông tin đăng nhập vào tài khoản cá nhân để thực hiện thủ thuật tăng tương tác, nhưng thực chất là mạo danh chủ tài khoản nhắn tin cho bạn bè, người thân của họ để nhờ chuyển tiền vào tài khoản bằng các lý do khác nhau như trả tiền hàng, trả nợ,... như vụ Nguyễn Viết X trên đây.

- Các đối tượng tạo đường link để bị hại đăng nhập bằng tài khoản của mình, thông tin về tài khoản nhanh chóng bị sao chép. Đối tượng sẽ thay đổi mật khẩu, chiếm quyền sử dụng tài khoản và nhắn tin đến các tài khoản mà chủ sở hữu thường liên lạc để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại...

Để phục vụ cho công tác phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao, mỗi cá nhân cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ, mã OTP … cho bất kỳ ai khi chưa rõ về họ, đặc biệt không chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.

- Nên thường xuyên kiểm tra và cập nhật tính năng bảo mật đối với các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết. Không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản Ngân hàng của mình cho người khác. Hạn chế sử dụng Internet Banking tại những nơi có wifi công cộng do độ bảo mật thấp nên tài khoản dễ bị đánh cắp.

- Không công khai các thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo; khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cần chọn lọc những thông tin có thể chia sẻ công khai và giới hạn người xem.

- Cảnh giác với những trang web yêu cầu đăng nhập thông tin tài khoản và mã OTP, chỉ đăng nhập trên các trang chính thống của Ngân hàng; không cung cấp mã OTP do Ngân hàng gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên Ngân hàng.

- Khi phát hiện sim điện thoại bị vô hiệu hóa, cần gọi ngay cho bộ phận dịch vụ chăm sóc khách hàng của nhà mạng để yêu cầu hỗ trợ, xác minh và báo khóa sim nếu cần thiết.

- Cảnh giác với những chiêu trò nhận thưởng có yêu cầu nạp tiền thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục. Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng quà, tiền. Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại người quen, bạn bè nhờ mua thẻ điện thoại, nhờ chuyển tiền,  vay tiền,... cần gọi điện trực tiếp để xác nhận thông tin.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao là một trong những loại tội phạm ngày càng phổ biến và kó phát hiện. người phạm tội thường là những thanh niên trẻ, có kiến thức cao về công nghệ thông tin nhưng lại sử dụng vào mục đích bất hợp pháp. Thời gian đấu tranh, làm rõ với tội phạm này thường kéo dài, do đó việc  nâng cao cảnh giác của chủ tài sản là hết sức quan trọng, làm hạn chế nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội.

 

Nguồn: Trang thông tin điện tử huyện Hữu Lũng

 

About